Hôm nay, mình muốn chia sẻ với các bạn về một chủ đề mà mình tin rằng nhiều bạn đang quan tâm và có lẽ cũng đã từng trải qua: Ra trường làm trái ngành. Đây là một hiện tượng không còn xa lạ trong xã hội hiện nay, chính mình cũng đang trải qua khi thị trường lao động thay đổi nhanh chóng và các cơ hội nghề nghiệp mở rộng đa dạng.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới có xu hướng đáng chú ý. Tại Việt Nam, tỷ lệ trung bình sinh viên làm trái ngành là 21,43%, những con số này có thể cao hơn nhiều ở một số ngành cụ thể.
Ví dụ, ngành nhân văn và nghệ thuật có tỷ lệ làm trái ngành lên đến 63%, trong khi các ngành kỹ thuật, công nghệ, kiến trúc và xây dựng là 31,6% (Báo Người Lao Động) (Trường Quốc tế - ĐHQGHN). Nguyên nhân của hiện tượng này bao gồm việc chọn ngành học không đúng với sở trường cá nhân, khó khăn khi tìm kiếm việc làm trong ngành đã học, và ảnh hưởng từ các yếu tố kinh tế và xã hội như đại dịch COVID-19 (BAO DIEN TU VTV) (Career.gpo.vn -Tư vấn hướng nghiệp).
Trên thế giới, tỷ lệ sinh viên làm trái ngành cũng khá cao. Một số nghiên cứu cho thấy rằng khoảng 50-70% sinh viên tại nhiều quốc gia khác nhau kết thúc công việc trong các ngành khác với lĩnh vực họ đã học. Ví dụ, ở Mỹ và châu Âu, khoảng 50% sinh viên tốt nghiệp làm việc trong các lĩnh vực không liên quan trực tiếp đến ngành học của họ
Nguyên nhân ra trường làm trái ngành
1. Sự lựa chọn không đúng ngành từ đầu
Khi còn là học sinh, chúng ta thường thiếu thông tin và kinh nghiệm để lựa chọn ngành học phù hợp. Nhiều bạn chọn ngành theo áp lực từ gia đình, bạn bè hoặc do không hiểu rõ đam mê và khả năng của mình.
Trong thời gian học tập tại trường Đại học, mình gặp rất nhiều bạn học chung ngành thường sẽ rơi vào 3 nhóm:
Nhóm 1: Theo học ngành vì đúng điểm mạnh, đúng với niềm đam mê và đã bỏ thời gian ôn luyện nhiều để đậu vào ngành và trường mình yêu thích.
Nhóm 2: Theo học ngành hiện tại bởi vì không biết mình thích gì, nên sẽ đi theo định hướng của gia đình hoặc đăng ký cùng bạn bè vì thấy có triển vọng vì ngành đang “hot” sau này ra trường sẽ có việc làm.
Nhóm cuối là đăng ký ngành này nhưng không đủ điểm nên qua ngành khác.
Còn mình thuộc vào trường hợp thứ hai, suốt 3 năm cấp ba mình không tham gia hoạt động hay có trải nghiệm gì để hiểu rõ điểm mạnh điểm yếu và đặc biệt là để biết bản thân thích gì? Hay đơn giản là có ước mơ về ngành nghề gì? Vậy nên những ngày sau khi thi tốt nghiệp khiến mình áp lực bởi vì suy nghĩ cần phải lựa chọn được ngành học không chỉ đáp ứng yêu cầu mình thích mà còn phải ổn định (ổn định ở đây là công việc sẽ gắn bó với mình tới khi mình đạt độ tuổi nghỉ hưu và lương mỗi tháng sẽ nuôi sống được mình). Đứng trước sự mông lung về tương lai cũng như không hiểu bản thân nên mình đã theo định hướng của gia đình, đăng ký theo học ngành Ngôn ngữ Anh với một tâm thế đến đâu thì đến.
2. Khám phá bản thân và đam mê mới
Thời gian học đại học không chỉ là thời gian học kiến thức mà còn là quãng thời gian quý báu để chúng ta khám phá bản thân. Nhiều bạn nhận ra đam mê thật sự của mình thông qua các hoạt động ngoại khóa, thực tập, hoặc những công việc làm thêm. Khoảng thời gian học Cao đẳng/ Đại học mình nghĩ là một thời điểm tuyệt vời để bạn bước ra khỏi vùng an toàn và khám phá nhiều điều về bản thân hay cuộc sống.
Có rất nhiều môi trường để bạn tham gia như câu lạc bộ trong trường, những hoạt động tình nguyện, tham gia vào các cộng đồng, những hoạt động ngoại khóa, công việc làm part time, tham dự những buổi workshop,.. Tham gia nhiều và đảm nhận nhiều vai trò sẽ giúp cho bản thân từng bước nhìn nhận về chính mình, phần nào sẽ thấy được điểm mạnh và điểm cần cải thiện ở bản thân.
Vậy nên sẽ có nhiều bước ngoặt ở giai đoạn này, có thể bạn sẽ dừng việc học ngành học hiện tại để theo đuổi với niềm đam mê mới của mình để được va chạm và có kinh nghiệm hoặc là bạn vẫn tiếp tục học ngành đang học bên cạnh đó làm công việc part time về nghề nghiệp bạn yêu thích.
3. Thị trường lao động thay đổi
Trong thời đại công nghệ 4.0, nhiều ngành nghề mới xuất hiện và phát triển mạnh mẽ.Như những năm gần đây ngành Sáng tạo nội dung, trở thành KOL, KOC hay làm Freelancer trở nên rất phổ biến.
Một vài thông tin
Theo báo cáo của Content Marketing Institute, 91% các tổ chức B2B và 86% các tổ chức B2C sử dụng content marketing để tiếp cận khách hàng của họ. Điều này tạo ra nhu cầu lớn về các nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp.
Theo báo cáo từ Influencer Marketing Hub, ngành công nghiệp influencer marketing dự kiến đạt 21,1 tỷ USD vào năm 2024. Tại Việt Nam, các KOL và KOC đang ngày càng trở nên quan trọng trong các chiến dịch marketing của các thương hiệu lớn.
Theo một báo cáo từ Upwork và Freelancers Union, năm 2020, có 59 triệu người Mỹ (36% lực lượng lao động) làm việc tự do, đóng góp khoảng 1,2 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế. Tại Việt Nam, số lượng freelancer cũng tăng mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và marketing số.
Điều này dẫn đến việc nhiều sinh viên sau khi ra trường phải chuyển hướng công việc để phù hợp với xu thế mới của thị trường.
Lợi ích và thách thức của việc làm trái ngành
Lợi ích
Khám phá và phát triển các kỹ năng mới: Làm việc trái ngành giúp bạn tiếp cận và rèn luyện những kỹ năng mới mà bạn có thể chưa từng học trong ngành học trước đây. Điều này không chỉ giúp mở rộng tầm nhìn mà còn phát triển khả năng sáng tạo và tư duy đa chiều.
Cơ hội tìm ra đam mê thật sự: Khi thử sức với một ngành nghề mới, bạn có thể phát hiện ra những sở thích và đam mê mà trước đây chưa từng nghĩ tới. Điều này có thể dẫn đến một sự nghiệp thỏa mãn và phù hợp hơn với bản thân.
Mở rộng mạng lưới quan hệ: Làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau giúp bạn kết nối với nhiều người từ các ngành nghề khác nhau. Điều này không chỉ mở rộng mạng lưới quan hệ mà còn tạo ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển nghề nghiệp.
Thách thức
Thiếu kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn: Bước vào một lĩnh vực mới đòi hỏi bạn phải học hỏi và thích nghi từ đầu, điều này có thể gây ra nhiều khó khăn ban đầu. Bạn sẽ cần đầu tư thời gian và công sức để nắm vững kiến thức chuyên môn mới.
Áp lực từ gia đình, bạn bè và xã hội: Làm trái ngành đôi khi bị coi là "đi ngược lại sự mong đợi" của những người xung quanh, dẫn đến áp lực tinh thần. Gia đình và bạn bè có thể không ủng hộ quyết định này, khiến bạn cảm thấy cô đơn và bị đánh giá.
Cần thời gian và công sức để phát triểm: Để thành công trong lĩnh vực mới, bạn cần đầu tư nhiều thời gian và nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức. Điều này có thể đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm cao.
Rủi ro về tài chính và ổn định nghề nghiệp: Việc thay đổi ngành nghề có thể đi kèm với rủi ro về tài chính, đặc biệt nếu công việc mới không mang lại mức lương như mong đợi hoặc không ổn định. Điều này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính cá nhân và gia đình.
Sự không đồng nhất trong sự nghiệp: Việc làm trái ngành có thể dẫn đến một sự nghiệp không đồng nhất, khiến cho hồ sơ công việc của bạn trở nên phức tạp hơn. Điều này có thể làm cho nhà tuyển dụng khó khăn trong việc hiểu rõ về năng lực và kinh nghiệm của bạn.
Câu chuyện làm trái ngành của mình
Vào cuối năm 2 đại học mình đã xác định rõ được việc sẽ không làm đúng với chuyên ngành đang theo học. Những mối quan hệ xung quanh mình biết cũng là vài anh/chị làm những công việc trái ngành và mọi người thấy vui với công việc hiện tại. Sau những lần trải nghiệm dù mình chưa thấy rõ được công việc gì khiến mình đam mê nhưng mình hiểu mình không thích làm công việc mà gia đình đình hướng như ban đầu.
Mỗi giai đoạn từng năm Đại học bên cạnh những giây phút mình hạnh phúc khi vượt qua giới hạn của bản thân mình đều có những lo lắng và cảm thấy chênh vênh khác nhau, đỉnh điểm nhất chắc là lúc mình ra trường. Thời gian đó mình chỉ làm công việc trợ giảng part-time tại trung tâm tiếng Anh, còn các bạn học cùng mình đa số đều đi theo công việc giáo viên (công việc đúng với mong muốn của gia đình mình). Những ngày tháng nằm dài trên giường và nhìn story các bạn cập nhật toàn hình ảnh giảng dạy mình nghi ngờ bản thân rất nhiều. Đôi lúc mình tự hỏi Liệu rằng quyết định không làm giáo viên có phải là quyết định đúng đắn? Bởi mình từng đi phỏng vấn cũng như liên hệ tới các trung tâm để làm giáo viên đứng lớp với mức lương cơ bản cao hơn lương part time nhưng rồi khi về nhà mình đều nhắn tin từ chối với lý do không có định hướng lâu dài với công việc.
Thời gian đó mình đều trải qua những thách thức khi làm trái ngành như mình vừa liệt kê ở mục trên.
Mình hoang mang với công việc mà mình muốn tìm hiểu vì mình thiếu kiến thức về nó.
Gia đình cũng nhiều lần hỏi về định hướng của mình khi quyết định làm trái ngành. Trong khi bạn bè đều đang dần ổn định công việc có người thì lập gia đình còn mình thì vẫn loay hoay.
Khi mình đang làm nhân viên sale tại công ty, dù đã đi làm full time đã quen với nhịp công việc và môi trường nhưng mình vẫn luôn tự hỏi “ Công việc mình thật sự muốn làm là gi?”
May mắn khi trong lúc hoài nghi bản thân mình đã xem video “ Cách để trở thành phiên bản tốt nhất và phi thường nhất của chính mình” giữa MC Khánh Vy và thầy Phan Văn Trường.
Chị Khánh Vy có hỏi thầy “Làm sao để chọn đúng nghề?”
Thầy có những chia sẻ rất hay mình note lại vài ý mình tâm đắc:
Mình không phải lựa chọn, nghề nghiệp đầu tiên không quan trọng vì tương lai mình còn thay đổi 4-5 nghề nữa. Mình phải hiểu hiện tượng “tuổi” trong cuộc sống, mình chưa 40 tuổi thì thánh nhân sinh ra mình chỉ cốt cho mình va chạm, cọ xát, thử thách, đớn đau, sẹo đầy người để mình trở thành con người mà vũ trụ muốn mình trở thành.
Cọ xát để xem khả năng tiềm tàng trong tay mình là gì? Mình sinh ra cũng phải thử xem tay mình có khéo không? Giọng mình có hay không ?... Mình phải tự thử thách Hãy cọ xát, lăn xả mình vào tất cả những công việc mà xã hội lôi cuốn mình vào rồi mình thất bại ê chề.. hãy cứ vui bởi vì những điều ấy làm mình khám phá ra khả năng của mình.
Vùng an toàn là vùng giúp mình thể hiện tất cả tài năng của mình đó mới là an toàn thật không phải vùng có lượng và đi làm ngày 8 tiếng cái cùng này là vùng k an toàn vì mình không thể giữ cơ thế đó quá lâu.
Mình hiện tại vẫn duy trì công việc full time nhưng buổi tối sẽ cố gắng dành thời gian để khám phá và thử sức làm những điều mình thích. Bên cạnh đó mình đều xác định kế hoạch nghề nghiệp ngắn hạn 6 tháng - 1 năm để biết mình cần chuẩn bị gì ? mình nên học thêm điều gì? Và mình không còn thấy nặng nề với chuyện làm trái ngành so với các bạn hay tìm công việc ổn định, điều mình muốn là tìm được công việc đáp ứng những tiêu chí của mình.
Lời kết
Ra trường làm trái ngành là một hiện tượng phổ biến và không có gì đáng lo ngại trong thời đại 4.0. Những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động và sự đa dạng của các cơ hội nghề nghiệp đã mở ra nhiều con đường mới cho chúng ta. Việc làm trái ngành không chỉ giúp chúng ta khám phá những đam mê và kỹ năng mới, mà còn mang lại những kinh nghiệm quý báu và mở rộng mạng lưới quan hệ. Dù gặp phải nhiều thách thức và áp lực, việc thay đổi ngành nghề có thể là bước đệm quan trọng để chúng ta tìm thấy sự nghiệp thỏa mãn và phù hợp hơn với bản thân.
Hãy nhớ rằng, con đường sự nghiệp không phải lúc nào cũng là một đường thẳng. Những bước ngoặt và thử thách sẽ giúp chúng ta trưởng thành và hiểu rõ hơn về chính mình. Đừng ngại thử sức với những lĩnh vực mới và khám phá những khả năng tiềm ẩn của bản thân. Cuối cùng, hãy luôn kiên trì và quyết tâm, vì sự nỗ lực của bạn sẽ đem lại những kết quả xứng đáng.
Đừng quên theo dõi blog của mình để nhận thêm nhiều bài viết hữu ích và nguồn cảm hứng mới nhé!